Nghỉ học ở nhà, trẻ cần chuẩn bị gì trong mùa dịch?

1 Tháng Tư, 2020
Tác giả: Phạm Quốc Toàn

Tình hình dịch bệnh ngày một căng thẳng và không có dấu hiệu giảm, dự đoán ngày quay trở lại trường học của các bé vẫn chưa chắc. Vì vậy các bé cần chuẩn bị cho mùa dịch là điều vô cùng cần thiết. Những việc trẻ cần chuẩn bị bao gồm: Tâm lý vững chắc, tính độc lập khi ở nhà 1 mình,…

Tính đến thời điểm hiện tại, có thể nói Việt Nam đang trong thời kỳ nguy cấp với bệnh phổi cấp tính Corona. Các trường học đang tạm thời hoãn lại để trẻ nhỏ được ở nhà tránh dịch bệnh. Thật vậy, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa biết chính xác ngày các bé sẽ quay lại trường học.

Trên thực tế, trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, tất cả đang tiến hành cái gọi là “social distancing” (cách ly xã hội). Đây là một tập hợp các hành động kiểm soát nhiễm trùng phi dược phẩm nhằm ngăn chặn hoặc làm hạn chế sự lây lan của một bệnh truyền nhiễm mà cụ thể ở đây là Covid-19.

Nguồn: Australian Goverment Department of Health

Vì vậy, đối với các bé được nghỉ dịch ở nhà thì đây cũng được gọi là một hình thức cách ly xã hội. Vậy việc này sẽ đem lại những hậu quả gì? Và các bé cần chuẩn bị về tâm lý và thể chất như thế nào cho mùa dịch Covid-19 này. Mời các bậc phụ huynh tham khảo những thông tin sau!

CÁCH LY XÃ HỘI CÓ KHẢ NĂNG ĐỂ LẠI HỆ LUỴ GÌ CHO CON TRẺ?

Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn đọc những thông tin đã được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo nhằm mục đích giúp các bậc cha mẹ có kiến thức bổ ích trong việc giúp con trẻ chống dịch. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

1)     Social distancing là gì?

Hình minh hoạ: Cách ly xã hội

Trước hết, ta sẽ tìm hiểu khái niệm “cách ly xã hội” là gì?

Theo bách khoa toàn thư Việt Nam, Cách ly xã hội là một tập hợp các hành động kiểm soát nhiễm trùng phi dược phẩm nhằm ngăn chặn hoặc làm chậm sự lây lan của một bệnh truyền nhiễm. Mục tiêu của sự cách ly xã hội là giảm khả năng tiếp xúc giữa những người bị nhiễm trùng và những người khác không bị nhiễm bệnh, để giảm thiểu lây truyền bệnh, nhiễm bệnh và cuối cùng là tử vong.

Cách ly xã hội là hiệu quả nhất khi nhiễm trùng có thể được truyền qua tiếp xúc với giọt nước (ho hoặc hắt hơi); tiếp xúc trực tiếp về thể chất, bao gồm cả quan hệ tình dục; tiếp xúc vật lý gián tiếp (ví dụ bằng cách chạm vào bề mặt bị ô nhiễm như fomite); hoặc truyền qua không khí (nếu vi sinh vật có thể tồn tại trong không khí trong thời gian dài).  

2)     Hệ luỵ của việc cách ly xã hội đối với con trẻ?

Tỉ lệ trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử này lại ngày một tăng cao.

Không được ra ngoài vui chơi và hoạt động thể chất  

Có câu: “Những đứa trẻ sinh ra là để bay nhảy”, thật vậy, việc “cách ly xã hội” là một trở ngại khá lớn đối với bé trong việc gặp gỡ bạn bè để tham gia các hoạt động thể thao, thư giãn gân cốt. Và có điều thậm chí còn tệ hơn xảy ra, đó chính là thay vì hoạt động thể thao, các bé lại thường có xu hướng ôm điện thoại, máy tính cũng như các thiết bị điện tử. Hệ quả của việc này chúng ta không thể bàn cãi bởi truyền thông đã đề cập đến rất nhiều và giờ đây, khi không được đến trường hay tham gia các hoạt động ngoài trời cùng bạn bè, tỉ lệ trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử này lại ngày một tăng cao.

Phải ở nhà một mình do cha mẹ vẫn phải lo cơm áo gạo tiền

Đối với các bé ở độ tuổi tiểu trung học, như đã đề cập trên, đối với các bé thì việc chủ động tìm kiếm thông tin không khó. Ở một đất nước thông tin tràn lan và tin thiếu chính thống rất nhiều, thì việc bé đọc và không biết chọn lọc là điều không thể tránh khỏi bởi suy nghĩ chưa tới hay không có đủ kiến thức để đánh giá. Điều này sẽ tạo ra tâm lý hoang mang hay thậm chí sợ sệt cho các bé.

VẬY LÀ CHA MẸ, CHÚNG TA CẦN GIÚP CON CHUẨN BỊ GÌ?

1)     Giúp trẻ hiểu đúng về bệnh dịch và vệ sinh dịch tễ

Trước hết, chúng ta cần đọc những thông tin chính thống như trang web, facebook của chính phủ, bộ y tế,… để cập nhật những thông tin chính xác. Sau đó, giảng giải rõ cho các bé hiểu những nguyên nhân, tác hại và cách phòng bệnh chuẩn theo các bước của bộ y tế. Sau đó, hỏi và quan tâm đến những hoang mang hiện tại của trẻ và tìm hướng giải đáp một cách từ tốn, tránh lan truyền thái độ sợ sệt thái quá cho con.

2)     Khuyến khích trẻ vận động cơ thể tại nhà

Khuyến khích bé vận động bằng cách làm những việc nhẹ trong nhà như phụ giúp dọn dẹp, xách đồ phụ ba mẹ,…

Mặc dù không thể ra ngoài gặp gỡ bạn bè để hoạt động thể chất, chúng ta có thể khyên trẻ tập thể dục thể thao ngay tại nhà để giải toả năng lượng. Tốt nhất, nên cho trẻ tập thể dục vào buổi sáng và tập cùng với trẻ trước khi đi làm. Điều này, không chỉ giúp cơ bắp phát triển, tăng cường hệ miễn dịch để phòng bệnh mà còn là cách hay để thể hiện sự quan tâm cũng như gần gũi bên con trẻ. Ngoài việc tập thể dục, phụ huynh cũng có thể khuyến khích bé vận động bằng cách làm những việc nhẹ trong nhà như phụ giúp dọn dẹp, xách đồ phụ ba mẹ,…

3)     Học cách đứng vững trước sự cô đơn

Cho dù là bé trai hay bé gái, chúng ta cũng nên tập cho trẻ thói quen tự lập. Thật vậy, việc bé phải ở nhà một mình là điều không ai mong muốn nhưng hãy nhân cơ hội này giáo dục trẻ với đức tính tự lập. Các bậc cha mẹ nên thường xuyên dạy cho trẻ những hành động nhỏ và đơn giản trong cuộc sống như quét nhà, tự bới cơm ăn khi đói, kỷ luật bản thân trong việc hạn chế chơi điện thoại,… Ngoài ra, cha mẹ nên thường xuyên hỏi thăm về cảm nhận của trẻ một cách cởi mở hơn. Phụ huynh có thể bắt đầu bằng việc những câu hỏi:

– Hôm nay con ở nhà cảm thấy thế nào?
–Con có bị chán không?
– Hôm nay ăn uống có ngon miệng không?
– Con có nhớ bạn không? Khi được trở lại trường học, con muốn con và các bạn làm gì?